3 sai lầm của bố mẹ khi định hướng cho con đi du học

Nhiều bậc phụ huynh cho rằng, du học là con đường tốt nhất cho tương lai của con. Tuy vậy, họ chỉ thấy được ánh “hào quang” của việc học tập ở nước ngoài mà chưa nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện.

 

3 sai lầm của bố mẹ khi định hướng cho con đi du học

Nhiều bậc phụ huynh cho rằng, du học là con đường tốt nhất cho tương lai của con. Tuy vậy, họ chỉ thấy được ánh “hào quang” của việc học tập ở nước ngoài mà chưa nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện. Dưới đây là 3 sai lầm phụ huynh thường mắc phải trong việc định hướng cho con khi đi du học.

1. “Đẩy” con đi du học khi con chưa sẵn sàng

Nhiều cha mẹ có suy nghĩ chỉ cần kinh tế mạnh là có thể cho con du học. Đây là lối tư duy chưa thấu đáo. Trên thực tế, vấn đề họ cần lưu tâm nhất là việc trang bị kỹ năng mềm cho con. Đi du học đồng nghĩa với việc các bạn trẻ phải tự lập trong cuộc sống hàng ngày. Nếu cha mẹ không rèn luyện cho con tính tự lập ngay từ khi còn ở Việt Nam thì học sinh sẽ rất khó hòa nhập với cuộc sống mới, dẫn đến chán nản và muốn quay về nước. Ngoài đức tính tự lập, học sinh cũng cần được trang bị những kỹ năng cần thiết khác như chăm sóc bản thân, quản lý thời gian, tiền bạc…

Nếu không được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng cần thiết, các bạn trẻ rất dễ chán nản khi đi du học

Nếu không được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng cần thiết, các bạn trẻ rất dễ chán nản khi đi du học

Du học cũng là cơ hội tốt để học sinh phát triển năng lực ngôn ngữ. Tuy nhiên, nếu không có nền tảng vững chắc, học sinh sẽ rất khó theo kịp được bài giảng trên lớp cũng như trong cuộc sống hàng ngày. Vì vậy, cha mẹ chỉ nên cho con đi học nước ngoài khi khả năng ngoại ngữ đã thực sự thành thạo, tránh trường hợp học sinh cảm thấy bị đuối sức và lạc lõng ở trời Tây.

2. Chọn ngành, trường không phù hợp với sở thích và khả năng của con

Phụ huynh là những người có ảnh hưởng lớn đến việc quyết định ngôi trường cũng như chuyên ngành mà con mình theo học. Điều này dẫn đến một vấn đề: Ngôi trường mà cha mẹ ưng ý có thể không phù hợp với sở thích cũng như khả năng của con.

Khi chọn trường, phụ huynh thường nhìn vào thứ hạng của trường để đưa ra quyết định. Điều này không hẳn lúc nào cũng đồng nghĩa với việc con được học ở chuyên ngành tốt nhất. Đơn cử như 2 ngôi trường hàng đầu tại Mỹ là Đại học Harvard và Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Dù Harvard là trường đại học nằm trong top 2 nhưng ngành đào tạo kỹ thuật chỉ đứng thứ 28; trong khi đó viện MIT, dù chỉ xếp thứ 7 trong các trường đại học ở Mỹ nhưng thứ hạng về đào tạo kỹ thuật lại đứng đầu. Vì vậy, phụ huynh nên dựa vào ngành học chứ không nên chỉ nhìn vào danh tiếng hay thứ hạng của trường để định hướng cho con.

Những ngôi trường top đầu hay ngành học “hot” không hẳn là lựa chọn tốt nhất cho con

Những ngôi trường top đầu hay ngành học “hot” không hẳn là lựa chọn tốt nhất cho con

Việc lựa chọn ngành hot cũng không hẳn là sự lựa chọn khôn ngoan. Không phải ngành nào hot cũng mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp hơn cho con. Thay vì lựa chọn theo độ phổ biến, phụ huynh nên cân nhắc nhiều hơn về sở thích cũng như sở trường của con cái. Điều này giúp tránh việc con học ngành không phù hợp dẫn đến stress hoặc không yêu thích công việc sau khi ra trường.

3. Quá coi trọng bằng cấp nước ngoài

Nếu phụ huynh nào cho rằng: “Bằng cấp của trường đại học nước ngoài là con đường tối ưu nhất dành cho tương lai của con” thì có lẽ đó là quan điểm chưa thực sự chính xác. Trên thực tế, du học là phải xác định học được những cái đẹp, cái hay về văn hóa, tinh thần, ý thức sống của đất nước ấy. Đó phải là cuộc “thay máu”, để trẻ hình thành triết lý sống, quan điểm sống văn minh. Du học nên được xem như hành trình trải nghiệm, khám phá và học hỏi văn hóa, cuộc sống ở xứ người, chứ không phải chỉ là một cuộc chiến đấu khổ sở chỉ để kiếm được tấm bằng Tây “sang chảnh”.

Du học nên được xem như hành trình trải nghiệm, học hỏi văn hóa, cuộc sống ở xứ người

Du học nên được xem như hành trình trải nghiệm, học hỏi văn hóa, cuộc sống ở xứ người

Chính vì chỉ xác định con đi du học để lấy được tấm bằng quốc tế, nhiều bậc phụ huynh kỳ vọng con phải đạt nhiều thành tích cao trong học tập. Vô hình chung, hành động này của cha mẹ khiến con em mình trở thành “mọt sách” mà không dành thời gian cho các hoạt động ngoại khóa để nâng cao kỹ năng mềm, mở rộng quan hệ xã hội. Việc thiếu những kỹ năng cần thiết ấy khiến học sinh rất khó đạt được thành công sau khi tốt nghiệp, dù cho có ý định ở lại hay về nước tìm việc.